Đối với các nhà đầu tư phái sinh thì hợp đồng tương lai (Futures contract) không phải là một khái niệm xa lạ và trừu tượng. Đây là một trong các công cụ phổ biến nhất trong thị trường phái sinh. Bài viết này sẽ giúp các bạn – những nhà đầu tư phái sinh tương lai có một góc nhìn tổng quan nhất về loại hợp đồng này.
Hợp đồng tương lai là gì?
Hợp đồng tương lai (Futures contract) là hợp đồng giữa Bên mua và Bên Bán về việc giao dịch tài sản cơ sở tại một thời điểm nhất định trong tương lai với một mức giá được xác định trước.
Tài sản cơ sở trong hợp đồng tương lai có thể là các loại hàng hóa truyền thống, các loại tiền tệ, các loại chứng khoán hoặc công cụ tài chính, tài sản vô hình hoặc các khoản tham chiếu như chỉ số chứng khoán, lãi suất.
Giá áp dụng trong ngày đáo hạn của hợp đồng được gọi là giá tương lai.

Các khái niệm của hợp đồng tương lai (Futures Contract)
- Ký quỹ là khoản đặt cọc để tham gia giao dịch phái sinh, đóng vai trò đảm bảo khả năng thanh toán của cả hai bên chủ thể của hợp đồng.
- Vị thế là trạng thái giao dịch và khối lượng của hợp đồng phái sinh mà nhà đầu tư đang nắm giữ.
- Đóng vị thế: mở một vị thế đối ứng với một vị thế đang nắm giữ có cùng tài sản cơ sở và ngày đáo hạn.
- Giá thanh toán cuối ngày là mức giá của hợp đồng phái sinh được dùng để tính toán giá trị lãi/lỗ phát sinh trong ngày của từng hợp đồng.
- Giá thanh toán cuối cùng là mức giá của tài sản cơ sở đươc xác định vào ngày giao dịch cuối cùng của hợp đồng tương lai đó, dùng để tính toán giá trị lãi/lỗ của hợp đồng đối với Bên mua và Bên bán.
- Hệ số nhân hợp đồng là hệ số quy đổi giá trị của Hợp đồng tương lai chỉ số thành tiền.
Cơ chế giao dịch của hợp đồng tương lai
Hợp đồng tương lai được giao dịch trên một thị trường tập trung, được kiểm soát bởi cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền ( tại Việt Nam là Sở giao dịch phái sinh Việt Nam – HNX và trung tâm bù trừ -VSD ). Thị trường tập trung có chức năng kết nối Bên mua với Bên bán và đảm bảo hai bên tuân thủ các nghĩa vụ trong giao dịch.
Cơ chế giao dịch của hợp đồng tương lai gần như tương tự cơ chế giao dịch chứng khoán thông thường trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, đối với giao dịch của hợp đồng tương lai có một sự khác biệt là Bên bán khi thực hiện hợp đồng mà không cần phải nắm giữ tài sản cơ sở tương ứng. Có hai cách để hai bên thực hiện hợp đồng tương lai khi đến ngày đáo hạn:
- Cách thứ nhất là Bên bán chuyển giao tài sản cơ sở cho Bên mua và Bên mua thanh toán tiền cho Bên bán theo mức giá được xác định trên hợp đồng tại ngày đáo hạn giống như một hợp đồng mua bán bình thường.
- Cách thứ hai là Bên bán hoặc Bên mua thanh toán khoản chênh lệch về giá sau so sánh giá xác định trên hợp đồng với giá thị trường của tài sản cơ sở tại ngày đáo hạn cho Bên còn lại thông qua Trung tâm bù trừ (VSD).
Ví dụ: Công ty A ký một hợp đồng tương lai bán cho Công ty B một tấn gạo xi với mức giá là 12.000 đ/kg vào tháng 08/2021. Đến tháng 08/2021, giá gạo xi trên thị trường tăng lên 15.000 đ/kg thì sẽ có hai phương án cho Bên A lựa chọn. Một là Bên A sẽ giao cho bên B một tấn gạo xi và bên B sẽ thanh toán cho bên A số tiền: 1.000 x 12.000 = 12 triệu đồng. Hai là bên A sẽ không giao cho bên B gạo xi mà thanh toán khoản chênh lệch cho bên B là : 1.000 x ( 15.000 – 12.000 ) = 3 triệu đồng.

Bản chất của hợp đồng tương lai là giao dịch dựa trên sự kỳ vọng về giá của nhà đầu tư, dựa trên sự đánh giá mức độ tăng, giảm về giá của tài sản cơ sở trên thị trường tại một thời điểm nhất định trong tương lai.
Chính vì vậy, khi tin rằng thị trường sẽ giảm, Bên bán có thể bán khống hợp đồng tương lai để bảo vệ danh mục trước sau đó mua lại để chốt lãi/lỗ. Khi thực hiện phòng ngừa rủi ro bằng hợp đồng tương lai, sự tăng, giảm giá trị danh mục sẽ được bù đắp bởi việc tăng, giảm của loại hợp đồng này.
Tham khảo:
- Khái niệm hàng hóa phái sinh là gì
- Hợp đồng hoán đổi
Đặc điểm của hợp đồng tương lai
- Tính chuẩn hóa và được niêm yết: Hợp đồng tương lai được niêm yết và giao dịch trên thị trường tập trung, được kiểm soát bởi cơ quan quản lý Nhà nước và được chuẩn hóa về điều khoản, giá trị, khối lượng của tài sản cơ sở,…
- Bù trừ và ký quỹ: Nhà đầu tư tham gia thị trường phái sinh đều phải đáp ứng yêu cầu về ký quỹ do sở giao dịch và trung tâm bù trừ quy định cụ thể cho từng hợp đồng. Hợp đồng tương lai yêu cầu các bên tham gia thực hiện ký quỹ để vừa đảm bảo việc thanh toán vừa thanh toán và bù trừ theo giá thực tế hàng ngày và sẽ thông báo lố/ lãi vào tài khoản ký quỹ của nhà đầu tư theo giá thực tế và gọi ký quỹ bổ sung khi cần.
- Dễ đóng vị thế và mang tính thanh khoản cao: Các bên tham gia hợp đồng tương lai có thể thưc hiện đóng vị thế bất cứ lúc nào bằng cách tham gia vị thế ngược với một hợp đồng tương tự, từ đó giúp cho các bên có thể linh hoạt trong việc sử dụng vốn, góp phần tăng tính thanh khoản của loại hợp đồng này.
- Đòn bẩy tài chính: Việc nhà đầu tư có thể tham gia hợp đồng tương lai mà không cần phải nắm giữ thực tế tài sản cơ sở giúp cho nhà đầu tư không cần phải bỏ ra số tiền lớn để mua tài sản đó, từ đó giúp cho nhà đầu tư hạn chế được số vốn đầu tư ban đầu. Muốn tham gia vào hợp đồng này, các bên chỉ cần đáp ứng được yêu cầu về ký quỹ do cơ quan Nhà nước quy định để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng.

Khi dự đoán của nhà đầu tư về biến động giá của tài sản cơ sở trở thành hiện thực, nhà đầu tư sẽ kiếm được lợi nhuận từ vị thế hợp đồng tương lai mà mình nắm giữ. Do hiệu ứng đòn bẩy của khoản tiền ký quỹ nên tỷ suất sinh lời trên thị trường này thường cao hơn so với thị trường tài sản cơ sở.
Lợi ích của hợp đồng tương lai
Giao dịch dễ dàng và thuận tiện

Giao dịch hợp đồng tuong lai diễn ra tương tự như giao dịch cổ phiếu, nếu nhà đầu tư dự đoán thị trường tăng điểm và đặt lệnh mua để mở vị thế mua hợp đồng tương lai thì sẽ thu lại được lợi nhuận khi thị trường tăng đúng như kỳ vọng. Tương tự nhà đầu tư có thể mở vị thế bán hợp đồng tương lai để thu lợi nhuận ngay cả khi thị trường giảm điểm.
Tỷ lệ đòn bẩy cao

Đặc thù của hàng hóa phái sinh nói chung và hợp đồng tương lai nói riêng là tỷ lệ ký quỹ thấp, chỉ chiếm một phần giá trị hợp đồng. Với tỷ lệ đòn bẩy cao như vậy, nhà đầu tư sẽ thu lời nhiều hơn so với cả việc đầu tư vào cổ phiếu. Tuy nhiên, đòn bẩy cao cũng là con dao hai mặt, nếu thị trường đi ngược lại kỳ vọng thì nhà đầu tư cũng lỗ nhiều hơn. Vì vậy, nhà đầu tư cần theo dõi thị trường sát sao, nhất là khi đã nắm giữ hợp đồng tương lai.
Hoạt động mua bán diễn ra liên tục cả ngày

Trong giao dịch cổ phiếu, nhà đầu tư phải đợi 2 ngày từ khi mua để cổ phiếu về tài khoản, sau đó mới có thể tiếp tục thực hiện mua/bán. Còn trong giao dịch hợp đồng tương lai thì nhà đầu tư có thể thoải mái đóng vị thế vừa mở để tiếp tục những giao dịch tiếp theo và tìm kiếm lợi nhuận trong mọi biến động của thị trường.
Cơ hội tìm kiếm lợi nhuận ngay cả khi thị trường giảm điểm
Ưu điểm hấp dẫn của hợp đồng tương lai là nhà đầu tư vẫn có cơ hội thu về lợi nhuận ngay cả khi thị trường đang giảm điểm. Trong trường hợp này, chỉ cần nhà đầu tư mở vị thế bán trước mua sau là có thể thu về lợi nhuận. Điều kiện duy nhất nhà đầu tư cần đáp ứng là nộp đủ số lượng ký quỹ yêu cầu trước khi tham gia giao dịch.
Trên đây là những chia sẻ của đầu tư gì về hợp đồng tương lại (Futures contract) là gì, hy vọng sẽ giúp ích cho các nhà đầu tư trong tương lai có thêm hiểu biết về thị trường tài chính và thị trường chứng khoán phái sinh.
Bài viết liên quan: