Thị trường kim loại quý chứng kiến một làn sóng bán tháo mạnh nhất trong một tháng trở lại đây khi tuần giao dịch vừa qua kết thúc. Lực bán mạnh thổi bay 7.73% giá trị và đưa giá Bạc về 25.969 USD/ounce, trong khi Bạch kim giảm mạnh gần 10% về 1041 USD/ounce, mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái.
Việc đồng USD tăng mạnh sau khi FED tiết lộ có thể tăng lãi suất sớm hơn một năm so với dự kiến trước đó đã làm suy yếu vị thế của các mặt hàng kim loại quý. Giá Vàng cũng giảm 6.04% còn 1763 USD/ounce. Trong thời gian vừa qua, nếu như các tin tức lạm phát là yếu tố rất tốt hỗ trợ cho đà tăng của thị trường kim loại quý thì việc đồng bạc xanh lấy lại sức mạnh đã làm các nhà đầu tư hoài nghi về triển vọng của Bạc và Bạch kim.
Trong ngắn hạn, thị trường vẫn cần thêm thời gian để hoàn toàn hấp thụ các ảnh hưởng từ tín hiệu thắt chặt của FED và một loạt các thông tin kinh tế quan trọng được công bố vào tuần này. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng sẽ theo dõi sát sao bài phát biểu của các thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) để hiểu rõ về lập trường của FED trong việc đánh giá độ hồi phục của nền kinh tế Mỹ và các chính sách tiền tệ trong thời gian sắp tới.
Với một tuần có rất nhiều sự kiện kinh tế như tuần này, thị trường có thể biến động mạnh và diễn biến khó lường. Thêm vào đó, việc dự đoán được ảnh hưởng của tin tức lên thị trường và xu hướng sau đó cũng là một việc khó khăn, nên nhà đầu tư cần thận trọng trong các quyết định đầu tư của mình. Trong đó, đứng ngoài quan sát diễn biến thị trường để tìm ra các tín hiệu chắc chắn có thể coi là một lựa chọn sáng suốt trong thời điểm này.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn có cho mình một công cụ hỗ trợ đắc lực khác ngoài các thông tin cơ bản, chính là lăng kính kỹ thuật.
Đối với Bạc, giá hiện tại vẫn nằm trên đường hỗ trợ trendline. Lực bán mạnh gần đây và ảnh hưởng tiêu cực từ các tin tức cơ bản có thể đẩy giá xuống test lại khu vực hỗ trợ cứng 25 USD/ounce. Nếu các tin tức kinh tế được công bố trong tuần này tiếp tục củng cố vị thế của đồng USD, các nhà đầu tư có thể canh bán khi giá giảm qua đường hỗ trợ trendline, và cân nhắc chốt lời ở các mức hỗ trợ lần lượt là 24 – 23 – 22 USD/ounce.
Ở thị trường Bạch kim, xu hướng giảm đã được hình thành khi mà giá đã xuyên phá đường hỗ trợ kéo dài trong từ nhiều tháng qua. Lực bán mạnh liên tục làm cho chỉ số RSI tiến về khu vực “quá bán” lần đầu tiên kể từ tháng 3 năm ngoái. Hiện tại thị trường vẫn chưa có tín hiệu hồi phục và vùng mua đẹp ở mốc 1100 USD/ounce đã bị bỏ lỡ. Trong tuần này giá có thể về test lại vùng hỗ trợ tâm lý quan trọng 1000 USD/ounce. Tương tự như với thị trường Bạc, nếu các tin tức làm suy yếu vị thế của Bạch kim, các nhà đầu tư có thể canh bán khi giá giảm xuống dưới 1000 USD/ounce với một lực bán mạnh, trên trung bình.
Giá dầu thô đã tăng trong 1 tháng liên tiếp nhờ vào kỳ vọng nguồn nhu cầu tiêu thụ năng lượng trên thế giới tiếp tục tăng lên và vượt qua đà tăng của nguồn cung. Kết thúc tuần 18/6, dầu WTI tăng 1.03% lên 71.64 USD/thùng, dầu Brent tăng 1.13% lên 73.51 USD/thùng.
Bất chấp việc số giàn khoan dầu tại Mỹ đã tăng 2 tuần liên tiếp khi giá dầu tăng trở lại, nguồn cung dầu tại Mỹ nhiều khả năng sẽ không tăng trở lại mức trước đại dịch COVID-19, ít nhất là trong năm 2021. Theo Reuters, sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ chỉ tăng thêm 200,000 thùng/ngày cho đến cuối năm, nguyên nhân chủ yếu đến từ thiếu hụt đầu tư vào các giếng dầu. Như vậy, việc gia tăng sản lượng dầu thô thế giới sẽ phụ thuộc nhiều vào nhóm OPEC.
Tuy nhiên, thiếu hụt các khoản đầu tư vào ngành dầu khí cũng đang là vẫn đề của một số thành viên OPEC: Từ đầu năm đến giờ, năng lực sản xuất dầu thô của Angola đã sụt giảm khi các khoản đầu tư bị đình trệ khi giá dầu giảm trong suốt hơn một năm. Mặc dù sản lượng hiện tại của OPEC đang thấp hơn mức trước đại dịch là 6 triệu thùng/ngày, theo Bloomberg, hiện tại nhóm chỉ có thể tăng sản lượng lên tối đa 4.5 triệu thùng/ngày. Trong bối cảnh nhu cầu nhiên liệu một số nước như Trung Quốc đã vượt ngưỡng trước đại dịch, nguy cơ thiếu hụt nguồn cung đang là tâm điểm chính trong các bài phát biểu của các công ty năng lượng lớn như Rosneft, Trafigura hay ngân hàng đầu tư Goldman Sachs. Bên cạnh đó, sáng nay, vòng đàm phán mới nhất về thỏa thuận hạt nhân giữa Mỹ và Iran vừa kết thúc mà không có tiến triển đặc biệt. Như vậy, khả năng nguồn cung từ Iran nhanh chóng trở lại đang yếu dần đi.
Tuần này, thị trường sẽ không có nhiều tin tức nổi bật, nên các nhà đầu tư cần chú ý tới các phát biểu của chủ tịch FED trước Quốc hội Mỹ về các chính sách liên quan đế đại dịch COVID-19 và nền kinh tế. Lạm phát tăng có thể khiến FED thúc đẩy chính sách thắt chặt tiền tệ và khiến USD tăng giá, cản trở đà tăng của giá dầu.
Về mặt kỹ thuật, giá đang điều chỉnh giảm sau khi chạm mức kháng cự 72 USD/thùng trong sáng nay. Tuy nhiên, với vấn đề căn bản là khả năng thiếu hụt nguồn cung và tiến trình đàm phán giữa Iran và Mỹ kéo dài, giá dầu có khả năng lên tới 73 USD/thùng trong tuần này.
Nguồn: MXV News