Theo Dong Hai
Trong ngày 30/7/2024, Bộ Công Thương nhận được thông tin về việc EC đã nhận hồ sơ đầy đủ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ Việt Nam, theo Người Quan Sát.
Nếu điều tra được khởi xướng, EC sẽ gửi cho các bên liên quan các tài liệu bao gồm đơn yêu cầu, quyết định khởi xướng điều tra và bản câu hỏi điều tra.
Bên EC cũng yêu cầu cung cấp danh sách đầy đủ về địa chỉ, người liên hệ, email của nhà xuất khẩu thép trong đơn khiếu nại trước ngày 5/8/2024.
Trước thông báo này, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm bị yêu cầu điều tra theo dõi vụ việc và có phương án ứng phó phù hợp.
Vào ngày 29/7, Bộ Công Thương cũng thông báo ra quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép HRC Trung Quốc và Ấn Độ sau một thời gian xem xét yêu cầu của hai doanh nghiệp CTCP Tập đoàn Hòa Phát, Thép Formosa Hà Tĩnh và những ý kiến từ các doanh nghiệp liên quan.
Thép HRC là nguyên liệu chính để sản xuất các sản phẩm tôn thép mạ kẽm, mạ lạnh, mạ màu, ống thép và nhiều sản phẩm thép khác. Việc đầu tư sản xuất loại thép này không dễ dàng và hiện Việt Nam có 2 doanh nghiệp là Tập đoàn Hòa Phát và Formosa sản xuất thép HRC với tổng mức đầu tư lên đến hàng tỷ USD.
Sản lượng thép cuộn cán nóng quý II/2024 giảm 10% so với quý I do các khó khăn trong tiêu thụ tại cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Lượng thép cuộn cán nóng nhập khẩu giá thấp tăng mạnh trong nửa đầu năm, gây sức ép lớn cho việc tiêu thụ thép cuộn cán nóng của Hòa Phát tại thị trường nội địa. Cùng với đó, giá sản phẩm thép HRC tại thị trường Việt Nam đã giảm liên tục từ tháng 3 đến hết quý II/2024.
Thị trường xuất khẩu cũng đối mặt với nhiều thử thách từ tình trạng dư thừa thép cuộn cán nóng và việc tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại tại các quốc gia nhập khẩu.