NFT là gì? NFT trong những năm gần đây xuất hiện ở rất nhiều lĩnh vực như thời trang, công nghệ, nghệ thuật, game… và được báo chí và các phương tiện truyền thông nhắc đến liên tục. Đây được dự đoán chính là một sản phẩm công nghệ tạo nên tiếng vang lớn. Vậy cụ thể NFT là gì? Ứng dụng của NFT là gì? Hãy cùng dautugi tìm hiểu qua bài viết dưới đây!
NFT là gì?
NFT được viết đầy đủ là Non-fungible token (tài sản không thể thay thế), là một tài sản số được xây dựng trên chuỗi hệ thống khối – blockchain, tương tự giống như Ethereum hay Bitcoin.
Blockchain là công nghệ chuỗi – khối, cho phép truyền tải dữ liệu một cách an toàn dựa trên hệ thống mã hóa vô cùng phức tạp. Mỗi khối (block) đều chứa thông tin về thời gian khởi tạo và được liên kết với khối trước đó, kèm theo đó là một mã thời gian và dữ liệu giao dịch. Dữ liệu khi đã được mạng lưới chấp nhận thì sẽ không có cách nào thay đổi được. Blockchain được thiết kế để chống lại việc gian lận, thay đổi của dữ liệu.
Mỗi NFT là bản ghi nhận các giao dịch trên máy tính kết nối mạng. Chuỗi số đóng vai trò như một sổ cái chung, cho phép mọi người xác minh tính xác thực của NFT lẫn chủ sở hữu.
Khác với các tài sản khác mỗi NFT có chữ kí số riêng biệt, đánh dấu tính độc nhất của nó. Chúng thường được mua bằng đồng tiền ảo hoặc bằng đồng USD. Sau đó chuỗi số sẽ ghi nhận giao dịch.

Do những tính chất trên mà mỗi NFT đều độc nhất không thể hoán đổi. Bản thân của NFT không phải là một loại tài sản vật lý, không thể sờ hay cầm nắm, mà là một loại mã hoá để lưu trữ hay giao dịch trên thế giới số. NFT chính là một dữ liệu trong đó có chứa các thông tin nhận dạng và xác minh tài sản được lưu trữ trên blockchain, mỗi tài sản sẽ có một mã đại diện riêng biệt cho nó. Chính vì vậy khi mua một cái áo NFT của thương hiệu nào đó không có nghĩa là nhà đầu tư sẽ đem cái áo đó về mặc mà là nhà đầu tư đang mua quyền sở hữu của cái áo đó.
Theo một báo cáo thị trường “NFT được giao dịch từ khoảng năm 2017. Nó bắt đầu thu hút chú ý từ đầu năm 2021 trước khi bùng nổ vào khoảng tháng 8.2021. Theo dữ liệu từ công ty theo dõi thị trường DappRadar, doanh số bán hàng đã tăng lên 10,7 tỉ USD trong quý 3/2021.”
NFT đang được sử dụng phổ biến trong các nội dung kĩ thuật số với âm nhạc, nghệ thuật, tranh ảnh. NFT tạo sức mạnh cho nền kinh tế của những người sáng tạo, nơi người sáng tạo không chuyển quyền sở hữu nội dung của họ cho nền tảng mà họ sử dụng để công khai nội dung đó. Khi người sáng tạo/sở hữu bán nội dung của mình, tiền sẽ chuyển trực tiếp đến họ.
Ví dụ trong thời gian vừa qua ca sĩ BinZ đã cho ra mắt sản phẩm “Don’t Break My Heart” dưới định dạng NFT. Về phía BinZ cho biết ” bộ sưu tập của Binz sẽ gồm có 4 định dạng: Platinum (Bạch kim), Gold (Vàng), Silver (Bạc) cũng như Bronze (Đồng). Trong đó, mỗi định dạng tương ứng với một tỷ lệ chia sẻ phí bản quyền nhạc số nhất định từ ca khúc “Don’t Break My Heart” cùng những đặc quyền khác nhau dành riêng cho người hâm mộ.
Thời gian qua, xu hướng này đã được nhiều nghệ sĩ quốc tế như Mike Shinoda (Linkin Park), DJ 3LAU, Grimes, Shawn Mendes, Steve Aoki… áp dụng và liên tiếp mang về lợi nhuận cao.”
Thậm chí, nếu chủ sở hữu mới sau đó bán NFT, người tạo ra ban đầu có thể tự động nhận tiền bản quyền. Điều này không thể xảy ra với cách đảm bảo sở hữu trí tuệ truyền thống hiện nay. Nó không chỉ gia tăng thu nhập cho những sản phẩm mà vốn dĩ trước đây không được trân trọng và chú ý tới, mà còn thúc đẩy, nâng cao ý thức của cộng đồng về vấn đề bản quyền.
Nhiều dự án đã và đang nghiên cứu việc mã hóa bất động sản, các sản phẩm thời trang, những ấn bản mang tính chất cổ xưa, mang giá trị lớn.
Nguồn gốc của NFT là gì?
Vào năm 2012 Yoni Assia đã đưa ra một ý tưởng vô cùng mới đó là sử dụng blockchain để xác nhận quyền sở hữu cho các tài sản, đồ sưu tầm,.. và đặt cho nó tên gọi là Colored Coin. Dù cho ý tưởng này đã thất bại ngay sau đó do Bitcoin không hỗ trợ loại hình này. Nhưng đây chính là nền tảng cho sự xuất hiện của NFT sau này.
Vào năm 2014 một công nghệ giao dịch ngang hàng dựa trên nền tảng công nghệ blockchain Bitcoin có tên Counterparty ra đời. Công nghệ này cho phép người dùng tự tạo ra tài sản có giá trị giao dịch cho riêng họ. Sau đó, nhờ vào tiêu chuẩn mới ERC-721 của tiền ảo Ethereum mà NFT đã hoàn thiện hơn. Đây là tiêu chuẩn cho phép người dùng có thể thực hiện các giao dịch các tài sản của họ trên nền tảng blockchain Ethereum. Cũng nhờ đó mà Ethereum đang là ông lớn đẫn đầu về các giao dịch và tài sản lưu trữ trên blockchain.

Đặc điểm nổi bật của NFT là gì?
Đặc điểm nổi bật của NFT là gì? NFT bao gồm 3 đặc điểm nổi bật sau đây:
- Tính độc nhất: mỗi NFT đều có một mã số riêng và có tính chất riêng, điều này làm nên sự khác biệt của chúng so với các NFT khác.
- Không thể làm nhái hay phá huỷ: Mỗi NFT đều độc nhất, tất cả dữ liệu được lưu trữ trên nền tảng blockchain đều thông qua hợp đồng thông minh và không phụ thuộc bất kì công ty nào cả. Thế nên mỗi NFT là duy nhất, không thể thay thế bằng bất cứ hình thức nào khác, chính điều đó tạo nên giá trị cho các NFT
- Không thể tách rời: không thể chia nhỏ NFT dưới bất kì hình thức nào, khác với tiền mã hoá bạn có thể chia chúng và giao dịch dưới dạng phân số.
Ứng dụng của NFT là gì?
NFT có thể được ứng dụng đa dạng trong nhiều lĩnh vực, trong nghệ thuật (âm nhạc, video, tranh ảnh…), trò chơi điện tử (giao diện, vật phẩm game)… với bất cứ sản phẩm có thể tồn tại dưới dạng kỹ thuật số.
Công nghệ chuỗi khối và NFT tạo điều kiện cho những người sáng tạo nội dung cơ hội để kiếm tiền từ sản phẩm của họ mà không phải qua bên thứ ba.
Còn đối với bên mua đây chính là cơ hội để họ có thể sưu tầm những sản phẩm độc đáo giới hạn mà không sợ bị đụng hàng hay mua trúng hàng giả.

Trên đây dautugi đã tổng hợp những kiến thức về NFT là gì? Rất mong qua bài viết này nhà đầu tư có thể hiểu rõ hơn về NFT.
Xem thêm: