Hotline: (0971) 552 728

Email: cskh@dautugi.com.vn

Dầu lên cao nhất kể từ năm 2014

by


Giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng lần thứ 4 liên tiếp kể từ đầu tháng 9 vào chiều qua (26.10), không những gây “sốc” cho doanh nghiệp mà ngay chính nhà quản lý cũng bị sức ép lớn.

Sức ép quá lớn

Từ 14 giờ hôm qua 26.10, sớm hơn 1 tiếng đồng hồ so với thời điểm Liên bộ Công thương – Tài chính công bố bảng điều chỉnh giá xăng dầu mới, Bộ Công thương đưa ra bản tin cập nhật tình hình nhiên liệu thế giới, trong đó nhấn mạnh thị trường nhiên liệu thế giới “lên cơn sốt” đang gây sức ép giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

vietstock s ap luc tu gia xang dau lien tuc tang 20211027081040 1

Đến 15 giờ cùng ngày, Liên bộ công bố giá bán lẻ xăng E5RON92 trong nước tăng 1.427 đồng/lít lên 23.110 đồng/lít, mức cao nhất kể từ tháng 9.2014; xăng RON95 tăng thêm 1.459 đồng/lít lên 24.338 đồng/lít. Tương tự, dầu diesel tăng 8,48%, dầu hỏa tăng 7,39% so với kỳ trước.

Ông Trần Đức Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta, phân tích trong cơ cấu chi phí hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ vận tải đường bộ thì xăng dầu chiếm tỷ lệ khá lớn, từ 30 – 40%. Do đó giá xăng dầu tăng mạnh hôm qua và tăng liên tiếp 4 lần đã tác động mạnh đến giá thành sản phẩm. “Chúng tôi biết giá nhiên liệu trong nước đang điều chỉnh theo đà tăng của thế giới, nên anh em trong hội vận tải chỉ biết nhìn nhau “cắn răng” mà chấp nhận trong bối cảnh khó khăn chung. Loay hoay nữa cũng không làm được gì, chỉ biết tập trung vào để tăng hoạt động, bù chi phí. Năm nay ngành vận tải gặp quá nhiều khó khăn, nay chi phí đầu vào tăng trong khi không thể tăng giá cước vận tải thì cứ cho như “cú bồi” thôi”, ông Nghĩa nói và cho rằng giá nhiên liệu tăng quá lớn sẽ làm chậm đà phục hồi nền kinh tế.

Dẫn số liệu của Bộ Công thương, đại diện một doanh nghiệp (DN) đầu mối kinh doanh xăng dầu phía nam cho rằng giá xăng dầu thành phẩm bình quân trên thị trường thế giới dùng để tính giá cơ sở tăng từ 60 – 76%, trong khi giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay chỉ tăng từ 40 – 52%. “Giá xăng dầu trong nước đang tăng theo xu hướng giá thế giới nhưng cơ quan điều hành luôn tìm cách để kìm hãm tỷ lệ tăng thấp hơn mức tăng của thế giới. Mục đích có thể hỗ trợ phần nào giảm chi phí đầu vào cho DN trong giai đoạn phục hồi sản xuất xuất khẩu và tiêu thụ thị trường nội địa. Tuy nhiên, có một thực tế là giá nhiên liệu tăng đang gây khó khăn kép cho DN sản xuất kinh doanh dịch vụ trong quý 4 này. Thường giá xăng dầu tăng khiến giá nguyên liệu nhập khẩu và cả nguyên vật liệu trong nước cũng tăng theo. Đặc biệt, giá xăng dầu tăng tác động mạnh đến các ngành sử dụng nhiều nhiên liệu như thủy hải sản, đánh bắt cá, vận tải…”, vị này chia sẻ.

Tính toán giảm thuế

Trong vòng hơn 1 năm qua, các mặt hàng xăng trong nước đã có 17 lần tăng giá, 3 lần giảm giá và 3 lần giữ nguyên giá với mức tăng hơn 9.000 đồng/lít. Trên thế giới, việc giá các mặt hàng nhiên liệu liên tục lập đỉnh trong tháng qua do lo lắng về tình trạng thiếu than và khí đốt tại nhiều quốc gia Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu, phải chuyển sang dùng dầu. Bên cạnh đó, các nước thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu thô và đồng minh (OPEC+) cũng không thể nâng sản lượng như đã thỏa thuận trước, đẩy tình trạng khan hàng tăng cao. Các chuyên gia nhiên liệu trong và ngoài nước đều có chung nhận định từ nay đến cuối năm, thậm chí sang quý 1/2022, giá dầu thô thế giới có xu hướng “neo đỉnh” lâu hơn.

Việc giá xăng dầu tăng mạnh và tăng liên tục đang gây áp lực quá lớn lên đà phục hồi kinh tế. PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), phân tích giá xăng dầu nội địa phụ thuộc vào chính sách tài chính của mỗi quốc gia. Tại VN, có 2 “van” liên quan đến quyết định tăng hay giảm giá xăng dầu là Quỹ bình ổn giá xăng dầu và thuế. Trong đó, Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã cạn kiệt, thậm chí trong thời gian qua việc chi liên tục khiến quỹ có nguy cơ âm. Thế nên, mong muốn giá xăng dầu giảm bớt bằng cách dựa vào nguồn quỹ này là không thể. Còn “van” thứ 2 là thuế.

Hiện 1 lít xăng dầu bán ra phải gánh 4 loại thuế: Giá trị gia tăng (VAT, 10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường (BVMT, từ 3.800 – 4.000 đồng/lít). Đã có nhiều tính toán cho rằng mỗi lít xăng hiện đang gánh khoảng 64% thuế phí. “Giá dầu thô thế giới được dự báo lên đến 100 USD/thùng trong tương lai gần. Công cụ duy nhất ta có thể áp dụng là trình Quốc hội xin giảm một vài sắc thuế đối với mặt hàng xăng dầu mà thôi. Có thể giảm thuế VAT từ 10% xuống 5% chẳng hạn. Hoặc thuế BVMT. Hiện nay, thuế BVMT đối với mặt hàng xăng E5 3.800 đồng/lít, bằng 95% mức thuế BVMT của xăng khoáng RON92 như hiện nay được đánh giá là chưa phù hợp”, ông Long phân tích.

Thế nhưng, ông Long cũng thừa nhận việc giảm thuế cho mặt hàng xăng dầu hiện nay là khó, do nguồn thu đang bị ảnh hưởng nặng nề. Thu thuế đối với mặt hàng nhiên liệu đóng vai trò rất lớn trong thu ngân sách. Ông nhấn mạnh: “Lưu ý là trong Nghị quyết 406 mới đây của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì từ ngày 1.11 – 31.12 tới, giảm thuế VAT cho các hàng hóa, dịch vụ; mặt hàng xăng dầu không được đề cập đến. Tuy nhiên, về lâu dài, giá xăng dầu tăng liên tục thì tốc độ tăng trưởng sẽ chững lại ngay và lạm phát lại tăng. Khi giá xăng dầu tăng khoảng 10% thì chỉ số tiêu dùng tăng khoảng 0,36% và đặc biệt GDP bị giảm khoảng 0,5% – một tỷ lệ không nhỏ. Rõ ràng là bài toán giảm giá xăng dầu trong ngắn hạn là quá khó nhưng về lâu dài, điều chỉnh giảm thuế BVMT, tiêu thụ đặc biệt cho mặt hàng xăng dầu là cần thiết. Vì giảm ở khâu này, chúng ta có thể tăng thu khâu khác, đó là hoạt động sản xuất của DN tăng, thuế xuất nhập khẩu, thuế DN được tăng”.

Dầu lên cao nhất kể từ năm 2014

Giá dầu tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2014 vào ngày thứ Ba (26/10), được hỗ trợ bởi sự thiếu hụt nguồn cung trên toàn cầu và nhu cầu mạnh mẽ ở Mỹ, quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.

Dầu tăng giá trước khi các báo cáo về dự trữ dầu tại Mỹ từ Viện Xăng dầu Mỹ (API) công bố vào ngày thứ Ba và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố vào ngày thứ Tư (27/10).

Các nhà phân tích dự báo dự trữ dầu thô tại Mỹ sẽ tăng 1.9 triệu thùng trong tuần gần nhất.

102721 dau 2

Louise Dickson, Chuyên gia phân tích thị trường dầu cấp cao tại Rystad Energy, nhận định: “Cuộc khủng hoảng năng lượng vẫn chưa thể lắng xuống, vì vậy chúng tôi kỳ vọng sức mạnh hiện nay của giá dầu kéo dài trong tháng 11 và tháng 12 khi cung không đủ cầu và khi OPEC+ vẫn đứng ngoài cuộc”.

OPEC+, bao gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh như Nga, hiện đang nâng sản lượng 400,000 thùng/ngày mỗi tháng, tuy nhiên đã từ chối những lời kêu gọi tăng sản lượng nhanh hơn để phản ứng với đà tăng của giá dầu.

Edward Moya, Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Oanda, lưu ý giá dầu có khả năng tăng lên 90 USD/thùng.

Trong khi thị trường điện và than đá tại Trung Quốc hạ nhiệt phần nào sau sự can thiệp của Chính phủ, giá năng lượng vẫn leo cao trên toàn thế giới do nhiệt độ giảm khi bước vào mùa đông ở Bắc Bán cầu.

Việc tiêu thụ xăng và các sản phẩm chưng cất ở Mỹ đã quay về mức trung bình 5 năm sau hơn 1 năm nhu cầu sụt giảm, và thị trường sẽ theo dõi chặt chẽ số liệu dự trữ tại Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thảo luận về giá năng lượng, chương trình hạt nhân Iran và vấn đề chuỗi cung ứng trong chuyến công du đến châu Âu vào tuần này để tham dự cuộc họp các nhà lãnh đạo G20.

Leave a Comment

Về chúng tôi

Đầu tư gì là website với hơn 10 năm trong lĩnh vực đầu tư tài chính, Chúng tôi sẽ giúp bạn trong mọi lĩnh vực mà bạn đang hoạt động.

Công ty CP Giao dịch Hàng hóa Đông Nam Á

CT36A Định Công, Phường Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội

0971-552-728

024-7304-8884

giaodichhanghoaphaisinh@gmail.com