Trong bối cảnh cuộc chiến với thép nhập khẩu vẫn chưa có hồi kết, ngành công nghiệp thép Việt Nam lại đối mặt với nguy cơ bị Ủy ban Châu Âu (EC) điều tra về việc chống bán phá giá với thép cán nóng (HRC) nhập khẩu từ Việt Nam.
Ủy ban châu Âu (EC) cũng vừa có thông báo về việc nhận được yêu cầu điều tra chống bán phá giá với thép HRC có xuất xứ từ Việt Nam |
Theo thông tin từ Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương, ngày 30/7/2024, EC đã nhận được hồ sơ đầy đủ yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với thép cán nóng nhập khẩu từ Việt Nam. Điều này được coi là một diễn biến đáng lo ngại đối với ngành thép Việt Nam.
Trước thông báo trên, Cục Phòng vệ thương mại khuyến nghị doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm bị yêu cầu điều tra theo dõi vụ việc và có phương án ứng phó phù hợp. Đồng thời, phía EC yêu cầu cung cấp danh sách đầy đủ về địa chỉ, người liên hệ, email của nhà xuất khẩu thép trong đơn khiếu nại, chậm nhất ngày 5/8/2024.
Trước đó, ngày 29/7, Bộ Công Thương đã ra quyết định khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép HRC Trung Quốc và Ấn Độ sau một thời gian xem xét yêu cầu của hai doanh nghiệp Hòa Phát, Formosa Hà Tĩnh và ý kiến các doanh nghiệp liên quan.
Thị trường thép cuộn cán nóng tiếp tục đối mặt với khó khăn từ sự giảm sản lượng và áp lực từ thép nhập khẩu giá thấp. Điều này đã gây ra sức ép lớn trong việc tiêu thụ sản phẩm thép HRC của Hòa Phát tại thị trường nội địa, đồng thời giá sản phẩm cũng đang giảm liên tục từ tháng 3 đến hết quý II/2024.
Tóm lại, ngành công nghiệp thép Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức từ cả yếu tố nhập khẩu và bên trong. Việc ứng phó và xử lý hợp lý được đặt ra là vấn đề cấp bách đối với doanh nghiệp trong ngành.
Nhật Quang